Quy trình quản trị đáp ứng và bám sát các tiêu chuẩn quốc tế

Tập đoàn liên tục nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp và quản lý sản xuất là phương thức hiệu quả nhất đảm bảo sự hài lòng của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đem lại lợi ích bền vững cho các bên liên quan. Đây cũng là công cụ quan trọng để đảm bảo tuân thủ và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với chuẩn mực quốc tế. 

Năm 2021, FPT tiếp tục đẩy mạnh triển khai phương pháp quản trị mục tiêu và kết quả then chốt (OKRs) trong toàn Tập đoàn giúp thiết lập mục tiêu thống nhất của từng cá nhân với mục tiêu của phòng ban/CTTV/Tập đoàn đảm bảo đi theo đúng chiến lược, định hướng chung của Tập đoàn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và năng suất lao động. Các mục tiêu và kết quả của Tập đoàn, các CTTV, các phòng ban cũng như của từng cá nhân được cập nhật, theo dõi, đánh giá định kỳ và trực tuyến trên công cụ quản lý OKRs giúp đo lường chính xác mức độ hoàn thành mục tiêu bám sát với kế hoạch chung của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, hoạt động của Tập đoàn nói chung và mỗi lĩnh vực hoạt động cốt lõi nói riêng cũng đang áp dụng và đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế uy tín.

Khối Kinh doanhChứng chỉ/Chứng nhận
Tập đoàn
  • ISO 9001:2015: Tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng.
  • OKRs: Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng theo Mục tiêu và kết quả then chốt. 
Khối Công nghệ 
  • ISO 9001:2015: Tiêu chuẩn Hệ thống quản lý chất lượng.
  • ISO/IEC 27001 Hệ thống Quản lý an ninh thông tin.
  • ISO 22301: Tiêu chuẩn An ninh xã hội – hệ thống quản lý kinh doanh liên tục. 
  • ISO/IEC 27017: Quy tắc thực hành về kiểm soát an toàn thông tin cho các dịch vụ đám mây dựa trên ISO/IEC 27002.
  • HIPAA: Đạo luật về Trách nhiệm giải trình và cung cấp thông tin bảo hiểm y tế 1996 của Mỹ. 
  • CMMiDEV/ 5: Mô hình năng lực thuần thục tích hợp cấp độ 5. 
  • ISO/IEC 20000-1: 2018: Tiêu chuẩn Quản lý dịch vụ công nghệ thông tin. 
  • TMMi Certitiec level 5: Tích hợp mô hình trưởng thành kiểm thử cấp độ 5.
  • A-SPICE: Automotive – Software Process Improvement and Capability determination.
Khối Viễn thông 
  • ISO/IEC 27001: Tiêu chuẩn Hệ thống Quản lý an toàn thông tin.
  • ISO/IEC 27017: Quy tắc thực hành về kiểm soát an toàn thông tin cho các dịch vụ đám mây dựa trên ISO/IEC 27002.
  • Uptime Design Tier III: Tiêu chuẩn về thiết kế hạ tầng Trung tâm dữ liệu – hạ tầng được thiết kế đảm bảo tính dự phòng, không gián đoạn dịch vụ khi thực hiện bảo trì.
  • PCI DSS: Tiêu chuẩn bảo mật dành cho các tổ chức trong quá trình xử lý thẻ thanh toán quốc tế.
  • TIA 942B Constructed Facility Rated 3: Tiêu chuẩn về thiết lập và vận hành hạ tầng Trung tâm dữ liệu – hạ tầng đã được thiết lập và vận hành đảm bảo tính dự phòng, không gián đoạn dịch vụ khi thực hiện bảo trì. 
Lĩnh vực Giáo dục
  • Xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars (một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho trường đại học trên toàn thế giới). 
  • ISO 21001:2018: Chứng chỉ quốc tế dành cho Hệ thống quản lý tổ chức giáo dục.
  • Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
  • Tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành.
  • Chứng nhận kiểm định chất lượng do tổ chức ACBSP của Mỹ – một trong các tổ chức chứng nhận kiểm định khối ngành kinh tế hàng đầu trên thế giới.
  • Thành viên tổ chức Đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á – AUN-QA.
  • Thành viên tổ chức Kiểm định chất lượng AACSB – Tổ chức kiểm định có uy tín hàng đầu thế giới.

Quản trị dữ liệu

Việc thu thập, xử lý, lưu trữ và bảo vệ dữ liệu được quy định thống nhất trong toàn Tập đoàn nhằm đảm bảo 04 yếu tố và tuân thủ các nguyên tắc trọng yếu sau:

04 yếu tố cần đảm bảo

  • Tuân thủ yêu cầu và thực tiễn pháp lý về bảo vệ dữ liệu
  • Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ thể dữ liệu
  • Bảo vệ việc xử lý dữ liệu khỏi những rủi ro về vi phạm dữ liệu
  • Bảo vệ Tổ chức khỏi những rủi ro tổn thất uy tín.

 

07 nguyên tắc cần tuân thủ

  • Hợp pháp: Dữ liệu phải được xử lý trong phạm vi quy định của pháp luật.
  • Đúng mục đích: Dữ liệu chỉ được xử lý đúng với mục đích hợp pháp đã đăng ký và phê duyệt.
  • Tối giản: Dữ liệu chỉ được xử lý trong phạm vi cần thiết để đạt được mục đích đã xác định.
  • Sử dụng hạn chế: Dữ liệu chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc sự phê duyệt bởi cấp thẩm quyền.
  • Tính chính xác và toàn vẹn: Dữ liệu phải được xử lý đúng đắn, tôn trọng tính chính xác của dữ liệu; quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu.
  • Tính bảo mật: Dữ liệu được áp dụng các biện pháp bảo vệ trong quá trình xử lý.
  • Lưu trữ: Các hồ sơ xử lý dữ liệu cần phải được lưu trữ để phục vụ mục đích truy vấn hợp pháp.

 

Mô hình quản trị dữ liệu của FPT được định nghĩa để đảm bảo đồng thời các yếu tố sau:

  • Trách nhiệm lãnh đạo cam kết cao nhất trong việc thu thập, xử lý, lưu trữ và sử dụng dữ liệu.
  • Xác định có thẩm quyền các quyết định liên quan đến dữ liệu của Tập đoàn. 
  • Xác định tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình để hướng dẫn việc quản lý, khai thác dữ liệu.
  • Xác định công nghệ, cơ sở hạ tầng được sử dụng thống nhất trong Tập đoàn để đảm bảo tính an toàn, bảo mật khi khai thác dữ liệu. 
  • Thực thi nghiêm túc trong toàn Tập đoàn các chính sách liên quan đã ban hành.
  • Giám sát tuân thủ và xác định rủi ro trong trường hợp bị rò rỉ dữ liệu. 

 

Tại Tập đoàn hay tại công ty thành viên, chúng tôi đều có các bộ phận chuyên trách để thực hiện chức năng đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu/thông tin cá nhân của khách hàng. Chúng tôi có nhận thức cao và nghiêm túc đảm bảo tính bảo mật các dữ liệu của những khách hàng đã tin tưởng sử dụng dịch vụ, sản phẩm, giải pháp của mình. 

Các kế hoạch ứng phó khi có sự cố phát sinh liên quan đến vấn đề bảo mật dữ liệu được FPT tuân thủ triệt để ở hai mức độ:

  • Phòng ngừa: Dựa trên việc việc tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ, các kế hoạch phòng ngừa cũng sẽ được đề ra và thực thi nghiêm túc. 
  • Khắc phục: Ngay lập tức việc vi phạm tính bảo mật sẽ được ngăn chặn, các lỗ hổng bảo mật sẽ được khắc phục bởi các bộ phận có chuyên môn cao về tính bảo mật. Việc đánh giá ảnh hưởng để kiểm tra những vùng dữ liệu liên quan cũng sẽ được thực hiện để đảm bảo sự cố không bị lan rộng.

 

Điểm quan trọng của tất cả các kế hoạch đảm bảo an toàn dữ liệu trên là toàn bộ kế hoạch, hành động được thiết kế có hệ thống trong toàn Tập đoàn, đồng thời, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng bộ phận được kiểm soát, theo dõi, báo cáo của một bộ phận chuyên trách.

Quản trị rủi ro

Kết quả hoạt động hiệu quả xuyên suốt năm 2021 bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch bệnh cũng như những đóng góp xã hội của Tập đoàn cho thấy FPT đã thành công trong những nỗ lực quản trị rủi ro, đặc biệt là các rủi ro liên quan đến sự phát triền bền vững của công ty và cộng đồng.  Với sự chuẩn bị cả về chính sách, nhân sự, tài chính và hạ tầng công nghệ từ năm 2020, FPT đã đảm bảo được sức khỏe nhân sự và hiệu suất làm việc, giúp tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 19,5% và 20,4%. 

Tùy theo đặc thù ngành nghề kinh doanh, từng mảng kinh doanh, khung quản lý rủi ro của Tập đoàn sẽ được Tổng Giám đốc chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và cải tiến định kỳ hàng năm. Trong đó, đối với phát triển bền vững, Tập đoàn xác định có 04 nhóm rủi ro chính.

Rủi ro chiến lược

Tên rủi roBiện pháp quản trị
Rủi ro về chiến lược, tầm nhìn
  • Tham gia các sự kiện kinh tế, công nghệ lớn tại Việt Nam và trên thế giới để nắm bắt các xu hướng công nghệ mới, tìm kiếm cơ hội phát triển cho Tập đoàn.
  • Tổ chức Hội nghị chiến lược định kỳ hàng năm để cập nhật những xu hướng mới nhất trong kinh doanh và công nghệ nhằm đảm bảo tầm nhìn và định hướng chiến lược của Tập đoàn là đúng đắn. 
Rủi ro suy giảm năng lực cạnh tranh
  • Đưa ra chiến lược cung cấp dịch vụ toàn diện và từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị dịch vụ công nghệ thông tin. Chiến lược này sẽ giúp FPT không ngừng cải tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh.
  • Tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ đặc biệt là đội ngũ cán bộ công nghệ nhằm nâng cao năng lực công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh. Số lượng nhân lực công nghệ của FPT là 24.068 nhân sự.
  • Liên tục cải tiến mô hình kinh doanh, cải tiến hệ thống thông tin, quy trình nội bộ để tối ưu hóa việc vận hành và tối ưu hóa chi phí dựa trên hệ thống quản trị hiện đại.
  • Đẩy mạnh chuyển đổi số nội bộ nhằm đảm bảo hoạt động của Tập đoàn được thống nhất, thông suốt và minh bạch hướng đến mô hình công ty hoạt động theo thời gian thực. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp FPT xây dựng năng lực cạnh tranh, vững vàng vượt qua những thách thức trong bối cảnh diễn biến phức tạp và khó lường của Covid-19. Năm 2021 đã có 43 dự án chuyển đổi số nội bộ được triển khai giúp Tập đoàn quản trị, vận hành, kinh doanh dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Rủi ro hoạt động

Tên rủi roBiện pháp quản trị
Rủi ro về công bố thông tin
  • Cập nhật đầy đủ các quy định liên quan đến công bố thông tin đối với công ty niêm yết
  • Xây dựng quy trình nội bộ về cung cấp và công bố thông tin nhằm đảm bảo các thông tin hoạt động, thông tin tài chính được báo cáo chính xác, kịp thời, đúng thời hạn.
  • Thường xuyên trao đổi với đại diện phụ trách công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán Tp. HCM để kiểm tra tính đầy đủ và chính xác của các thông tin cần công bố.
Rủi ro về nguồn nhân lực
  • Xây dựng FPT thành tổ chức học tập, phát triển lực lượng lao động có trình độ cao, tổ chức tốt nguồn nhân lực, quy hoạch nhân sự quản lý với định hướng lâu dài. Năm 2021, các chương trình đào tạo được triển khai sâu rộng trên toàn Tập đoàn với 8.289 khóa đào tạo, tăng 25% so với cùng kỳ. Số chứng chỉ công nghệ mới cũng tăng từ con số 2.815 trong năm 2020 lên 4.768 trong năm 2021, tăng tương ứng 69%.
  • FPT xây dựng chính sách đãi ngộ đảm bảo các tiêu chí: “Làm nhiều – hưởng nhiều”, thu nhập tương xứng với kết quả công việc, giá trị đóng góp cho FPT; công bằng và minh bạch; cạnh tranh theo thị trường. Ngoài ra FPT còn thực hiện các chính sách khác như trợ cấp mua nhà cho CBNV.
  • Xây dựng môi trường làm việc tốt để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực
Rủi ro về danh tiếng/thương hiệu
  • Xây dựng hệ thống thu thập và phân tích ý kiến khách hàng để kịp thời điều chỉnh, cải tiến dịch vụ, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Định kỳ khảo sát đo độ hài lòng của các bên liên quan.
  • Xây dựng quy trình quản trị xử lý khủng hoảng truyền thông.
  • Xây dựng quy định phát ngôn, chia sẻ và cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông.
  • Giám sát, theo dõi các thông tin về Tập đoàn và CTTV trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hàng ngày, hàng giờ để có phương án xử lý kịp thời khi có các thông tin không chính xác hoặc ảnh hưởng bất lợi đến danh tiếng/thương hiệu của Tập đoàn.
Rủi ro về bảo mật thông tin và rủi ro an ninh mạng
  • Áp dụng triệt để các biện pháp chống thất thoát dữ liệu và an toàn hệ thống nhằm đảm bảo an ninh thông tin của Tập đoàn.
  • Tăng cường đầu tư hệ thống và giải pháp an toàn thông tin, cập nhật các quy trình áp dụng các tiêu chuẩn bảo mật mới nhất. Hiện tại, bên cạnh các hệ thống mua ngoài, FPT đã đầu tư phát triển một số sản phẩm về an toàn an ninh mạng như CyRadar, FPT.EagleEye…

Rủi ro tài chính

Tên rủi roBiện pháp quản trị
Rủi ro tỷ giá
  • Theo dõi sát biến động của các nhân tố chính tác động lên tỷ giá, đa dạng các nguồn thu ngoại tệ.
  • Áp dụng các chính sách bảo hiểm tỷ giá phù hợp.
  • Áp dụng các chính sách bán hàng linh hoạt dựa trên biến động tỷ giá
Rủi ro kinh doanh thông thường
  • Xây dựng và tuân thủ các quy trình về mua bán hàng, triển khai hợp đồng, … nhằm đảm bảo hạn chế rủi ro phát sinh trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh
  • Xây dựng chính sách kiểm soát công nợ của khách hàng, xây dựng chính sách quản lý tồn kho
  • Xây dựng hệ thống phần mềm tự động hóa các khâu kiểm soát, phê duyệt nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, hạn chế rủi ro.
  • Phân tích, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu lượng hóa nhu cầu để nhập hàng.

Rủi ro luật định

Tên rủi roBiện pháp quản trị
Rủi ro liên quan đến các chính sách
  • Theo dõi sát sao các chính sách, định hướng, nghị quyết, quyết định của Chính phủ và các bộ ngành, tổ chức liên quan, chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ quan hữu quan nhằm hướng tới việc nâng cao vai trò của CNTT trong việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
  • Nghiên cứu, cập nhật và tuân thủ luật định cũng như môi trường văn hóa, kinh doanh của các thị trường nước ngoài liên quan
  • Đào tạo cán bộ nhân viên về văn hóa, pháp luật của nước sở tại

Quản lý rủi ro liên quan đến tham nhũng và thuế

Tập đoàn FPT luôn đề phòng với các trường hợp phát sinh xung đột lợi ích và xử lý nghiêm khắc đối với mọi hành vi vi phạm kỷ luật tài chính. Để tránh các xung đột, Công ty yêu cầu CBNV tự giác thực hành các quy tắc ứng xử sau:

  • Tránh xung đột lợi ích trong hoạt động đầu tư kinh doanh bên ngoài, ảnh hưởng tới việc ra quyết định cũng như tác động tiêu cực đến lợi ích của Tập đoàn.
  • Tránh xung đột lợi ích với hoạt động đầu tư của người thân CBNV, yêu cầu CBNV kê khai với Công ty và báo cáo với Quản lý trực tiếp nếu người thân góp vốn/giữ các vị trí điều hành tại các doanh nghiệp là khách hàng, nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh của Tập đoàn.
  • Minh bạch, công tâm trong tuyển chọn và sử dụng nhân lực, dựa trên các tiêu chí rõ ràng về năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng phù hợp theo đúng nhu cầu thực tế của Tập đoàn.

Chính sách chống tham nhũng và gian lận

Là một trong những doanh nghiệp quy mô lớn hoạt động tại nhiều quốc gia, FPT đã xây dựng chính sách và bộ quy tắc ứng xử để đảm bảo nhân sự ở tất cả các cấp, các phòng ban luôn tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến phòng chống tham nhũng. Theo đó, Tập đoàn đưa ra một số quy định trọng yếu như: 

  • Yêu cầu mọi món quà gửi đến cơ quan chức năng, đối tác hoặc bên thứ ba liên quan đều phải được sự chấp thuận của bộ phận pháp lý và kiểm soát tuân thủ phê duyệt bằng hình thức văn bản. 
  • Liên tục tổ chức đào tạo nhân sự trên toàn cầu về bộ nguyên tắc ứng xử, đặc biệt là về các vấn đề về tham nhũng và xung đột lợi ích giữa Tập đoàn và bên thứ ba. 
  • Xây dựng bộ phận chuyên trách và quy trình tiếp nhận, xử lý các báo cáo về việc vi phạm những chính sách chống tham nhũng và gian lận, tuân thủ nghiêm túc các quy định của Tập đoàn. 

 

FPT luôn tuân thủ mọi quy định nghiêm ngặt về thuế tại Việt Nam cũng như các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới mà FPT đang hoạt động. Để làm được điều này, Tập đoàn đã xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, hiệu quả cũng như đẩy mạnh công tác chuyển đổi số hệ thống tài chính kế toán nội bộ. Ngoài ra, FPT liên tục tổ chức các buổi thanh tra, kiểm soát nội bộ nhằm đảm bảo tính tuân thủ của toàn bộ hệ thống đối với các quy định về thuế tại địa phương liên quan và ngành nghề liên quan.

Chính sách chống tham nhũng đối với các nhà cung cấp

FPT, cùng với các công ty con trực tiếp và gián tiếp có chính sách không khoan nhượng đối với hành vi hối lộ và tham nhũng dưới mọi hình thức. Việc mua hàng hóa và dịch vụ cũng như việc lựa chọn nhà cung cấp cần phải được thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế; chất lượng, giá cả và các tiêu chí được xác định một cách cụ thể, hợp lý và phải đặt lợi ích của Công ty là cao nhất. Công ty cũng mong muốn khách hàng và nhà cung cấp ứng xử một cách văn minh, tuân thủ pháp luật và phù hợp với các nguyên tắc:

  • Không trực tiếp/gián tiếp chào mời, hứa hẹn hoặc ủy quyền thanh toán bất cứ khoản tiền, lợi ích vật chất cho bất kỳ nhân viên, lãnh đạo hay bên thứ ba của FPT để đảm bảo lợi thế không đúng đắn;
  • Không gợi ý, gạ gẫm, chấp nhận bất cứ khoản tiền, lợi ích vật chất từ nhân viên, lãnh đạo, hoặc bất kỳ bên thứ ba nào khác của FPT để đổi lại lợi thế không đúng đắn;
  • Không xúi giục, hỗ trợ người khác vi phạm các chính sách kể trên, nếu phát hiện vi phạm cần báo cáo ngay tới FPT và các bên liên quan;
  • Các nhà cung cấp cần lưu giữ các tài liệu, hồ sơ, sổ sách chính xác và đẩy đủ nhằm mục đích truy vấn trong tương lai. Các hóa đơn cần được lưu giữ chính xác, đầy đủ, chi tiết theo từng khoản, với biên nhận và tài liệu hỗ trợ đầy đủ khác đối với bất kỳ khoản chi phí nào được trả thay mặt FPT.

 

Trong trường hợp FPT nghi ngờ hợp lý về việc nhà cung cấp đã vi phạm điều khoản chính sách này, FPT có thể chấm dứt/hạn chế mối quan hệ kinh doanh với nhà cung cấp. Bất cứ nhân viên, lãnh đạo nào của FPT bị phát hiện thấy vi phạm hoặc hỗ trợ người khác vi phạm các nguyên tắc trên đều có thể bị xử lý kỷ luật phù hợp.

Kiểm soát nội bộ

Nhằm kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực quản trị của Tập đoàn và các công ty thành viên, đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi của cổ đông cũng như các bên liên quan, FPT thiết kế hệ thống kiểm soát nội bộ tuân thủ các quy định pháp luật liên quan và quy chiếu với các quy chuẩn quốc tế. 

Mô hình kiểm soát nội bộ

Chủ thể

Trách nhiệm

Tổng Giám đốc

  • Phê duyệt kế hoạch kiểm soát tuân thủ. 
  • Chỉ đạo giải quyết các tồn tại cũng như cải tiến hệ thống.
  • Xây dựng, phê duyệt, triển khai và kiểm soát khung quản lý rủi ro của Tập đoàn.

Trưởng Ban Giám sát tuân thủ

  • Hoạch định và tổ chức kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu của pháp luật, kiểm soát các lĩnh vực/hoạt động có rủi ro cao trong hệ thống quản trị của Tập đoàn.
  • Tổ chức các đợt kiểm soát đột xuất theo yêu cầu của Ban Điều hành. 

Giám đốc Ban Đảm bảo chất lượng

  • Hoạch định và tổ chức kiểm soát việc tuân thủ các yêu cầu của hệ thống quản trị của Tập đoàn.
  • Tổ chức các đợt kiểm soát theo yêu cầu của Ban Điều hành.

Trưởng các bộ phận chức năng ngành dọc 

  • Rà soát và cập nhật hệ thống tài liệu quản trị của tập đoàn trong phạm vi phụ trách nhằm đảm bảo sự phù hợp với các yêu cầu luật pháp, tiêu chuẩn quốc gia/ quốc tế liên quan và phù hợp với thực tế hoạt động. 
  • Phối hợp với Ban Đảm bảo chất lượng, Ban Giám sát tuân thủ trong các hoạt động kiểm soát và giải quyết các tồn tại cũng như cải tiến hệ thống.

Để đảm bảo hoạt động kiểm soát nội bộ được hiệu quả và giảm thiểu rủi ro đặc biệt liên quan đến phát triển bền vững, Tập đoàn cũng xây dựng kế hoạch chi tiết hoạt động của bộ máy kiểm soát nội. Theo đó, Trưởng Ban Giám sát tuân thủ, Giám đốc Ban Đảm bảo chất lượng và Trưởng các bộ phận chức năng ngành dọc có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm soát tuân thủ tương ứng với phạm vi/lĩnh vực phụ trách quản lý.

Đồng thời, nhằm rà soát hệ thống để có các điều chỉnh kịp thời, ngoài các đợt kiểm soát theo kế hoạch, tùy theo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, Tập đoàn sẽ triển khai các đợt kiểm soát đột xuất. 

Trong năm, Tập đoàn đã triển khai nhiều hoạt động kiểm soát trọng điểm như:

  • Kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ và chính sách quản lý rủi ro trên toàn Tập đoàn và các CTTV.
  • Giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật trong việc quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các Công ty thành viên (CTTV. 
  • Phối hợp với các bộ phận chuyên môn của Tập đoàn để kiểm tra đột xuất và định kỳ các CTTV.
  • Giám sát và quản trị các hoạt động giữa Tập đoàn/CTTV và các nhà cung cấp, đối tác để đảm bảo công bằng, minh bạch cho các đối tác và nhà cung cấp, trên tinh thần hợp tác cùng có lợi; và phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro trong các mảng hoạt động sản xuất kinh doanh.
  • Kiến nghị giải pháp quản lý rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra trong tương lai đối với hoạt động của Tập đoàn/CTTV.

Leave a Reply

Your email address will not be published.