Định hướng chung

Dựa trên chiến lược kinh doanh, FPT xây dựng định hướng và chiến lược phát triển bền vững đảm bảo sự hài hòa của ba yếu tố: Phát triển kinh tế, Hỗ trợ cộng đồng và Bảo vệ môi trường. Đồng thời, khi xác lập các chương trình hành động, FPT cũng tham chiếu với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc và bộ tiêu chuẩn GRI Standards. 

Các mục tiêu phát triển bền vững kêu gọi hành động toàn cầu hướng đến một tương lai phát triển bền vững của tất cả các quốc gia vào năm 2030. Là Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, FPT sẵn sàng tham gia và đóng vai trò trong tất cả 17 mục tiêu thiên niên kỷ này. Nhưng với đặc thù hoạt động kinh doanh, các hoạt động của chúng tôi ảnh hưởng trực tiếp nhất đến 08 điều được nêu dưới đây.

Giáo dục có chất lượng; Bình đẳng giới; Năng lượng sạch với giá thành hợp lý; Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng; Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm; Hành động về khí hậu; Quan hệ đối tác vì các mục tiêu.

Các chương trình hành động

Ở một khía cạnh nào đó, đại dịch Covid – 19 kéo dài trong suốt hai năm vừa qua, đã cho thấy một cách tiếp cận sâu sắc và toàn diện hơn về phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, tổ chức. Phát triển bền vững không chỉ là sự hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường mà cốt lõi là phải cùng chia sẻ lợi ích, chia sẻ giá trị và cả những rủi ro, đồng thời phải thực sự đặt yếu tố con người vào trung tâm của sự phát triển. Do đó, trong năm 2021 cũng như trong dài hạn, các chương trình hành động triển khai định hướng và chiến lược phát triển bền vững của FPT luôn hướng đến việc giúp các bên liên quan và cộng đồng giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của đại dịch cùng phát triển thịnh vượng bám sát các chương trình trọng điểm của 17 mục tiêu thiên niên kỷ.

Nhóm chủ đề

Chương trình hành động

Kết quả năm 2021

Kinh tế

Duy trì tăng trưởng kinh tế.

Các chỉ tiêu kinh doanh tiếp tục tăng trưởng cao với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 19,5% và 20,4%. Nộp Ngân sách nhà nước 5.750 tỷ đồng.

Thúc đẩy nâng cao năng suất lao động thông qua đa dạng hóa, đổi mới và nâng cấp công nghệ.

Năm 2021, Tập đoàn đã triển khai 43 dự án chuyển đổi số nội bộ xuyên suốt hoạt động quản trị, vận hành, kinh doanh đảm bảo hoạt động liên tục, nâng cao năng suất lao động trong bình thường mới. 

Tăng sự tiếp cận công nghệ của các doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Hơn 3.000 doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiếp cận miễn phí Chương trình vaccine số FPT eCovax đảm bảo hoạt động không gián đoạn ngay trong bối cảnh giãn cách, đảm bảo môi trường làm việc xanh toàn diện, chủ động thích ứng với mọi biến động.

Nâng cấp năng lực công nghệ trong các ngành công nghiệp. 

Mở rộng hệ sinh thái Made by FPT thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thích ứng linh hoạt và tăng trưởng kinh tế bền vững của mọi lĩnh vực trong bình thường mới. Năm 2021, doanh thu chuyển đổi số của Tập đoàn tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt 713 tỷ đồng, tăng 42,8% so với cùng kỳ. 

Xã hội

Đảm bảo giáo dục chất lượng, toàn diện và công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

74.313 người học quy đổi trên toàn hệ thống được đào tạo tại tất cả các cấp học thuộc Tổ chức giáo dục FPT.

Về đào tạo nội bộ, trong năm 2021, Tập đoàn đã dành 99,3 tỷ đồng cho các hoạt động đào tạo, với 818.580 lượt CBNV tham gia, 3.803.220 giờ đào tạo. 

Cơ hội bình đẳng trong lãnh đạo ở các cấp.

Số cán bộ quản lý là nữ giới trong năm 2021 tăng 17,5% so với tỷ lệ tăng 10,9% của cán bộ quản lý là nam giới. 

Cung cấp công ăn việc làm chất lượng và bền vững cho tất cả phụ nữ và nam giới, kể cả những người trẻ tuổi và người khuyết tật, và trả công bằng nhau cho công việc có giá trị ngang nhau.

Trong năm 2021, số nhân sự nữ tăng tới 21,4% so với cùng kỳ, tỷ lệ này cũng tương đồng với mức tăng của nhân sự nam là 21,3%. 

Nguồn nhân lực của FPT tiếp tục được trẻ hóa với độ tuổi trung bình là 29 (năm 2020 con số này là 30). Tỷ lệ cán bộ quản lý dưới 40 tuổi chiếm 76,7% tổng số cán bộ quản lý của FPT, tương đương 2.022 người

Cung cấp cơ hội tiếp cận Internet một cách phổ cập và trong khả năng chi trả.

Bất chấp các khó khăn trong việc triển khai bán hàng trong năm 2021 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, số lượng người dùng Internet và truyền hình trả tiền vẫn tăng trưởng ở mức cao, giúp tăng độ phủ cấp quận, huyện từ 55% năm 2020 lên 59% năm 2021. Băng thông quốc tế đạt 3.000Gbps.

Môi trường

Tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và tuyên truyền nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của CBNV, bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu.

Các tác động đến môi trường của FPT chủ yếu đến từ việc xả thải, tiêu thụ năng lượng tại các văn phòng làm việc, các cửa hàng. Trong năm 2021, FPT tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý chất thải và khí thải tại các tòa nhà thuộc sở hữu của Tập đoàn và không để xảy ra vi phạm gì liên quan. 

Tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng, tài nguyên có thể tái chế và các vật liệu tiết kiệm năng lượng.

Áp dụng thiết kế xanh, các giải pháp công nghệ để giảm thiểu việc sử dụng năng lượng khi vận hành các văn phòng, các cửa hàng trên phạm vi toàn quốc. Mô hình văn phòng xanh không chỉ giúp Công ty đạt được những hiệu quả nhất định trong việc tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành văn phòng mà còn góp phần nâng cao nhận thức về môi trường cho CBNV. 

Vai trò và trách nhiệm của các bên trong quản trị phát triển bền vững

Bộ phận chịu trách nhiệm

Vai trò và trách nhiệm

HĐQT

Phê duyệt, ban hành chiến lược và định hướng phát triển bền vững trong toàn Tập đoàn.

Ban Điều hành

Đảm bảo việc triển khai chiến lược phát triển bền vững thông qua các hoạt động:

  • Xây dựng mục tiêu phát triển bền vững cụ thể cho Tập đoàn và CTTV.
  • Chỉ đạo triển khai các chương trình hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn.
  • Giám sát kết quả thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn và CTTV.

Công ty thành viên

  • Đảm bảo hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng và chiến lược chung của Tập đoàn.
  • Thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình triển khai chiến lược phát triển bền vững của đơn vị.

Xác định các vấn đề trọng yếu

Dựa trên mức độ quan tâm của các bên liên quan, hoạt động của doanh nghiệp cũng như tham chiếu 17 mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, Tập đoàn xác định các vấn đề trọng yếu nhằm xác định mức độ ưu tiên và thực hiện phân bổ nguồn lực nhằm đáp ứng tốt nhất kỳ vọng của các bên liên quan.

Quy trình xác định các vấn đề trọng yếu

Bước 1:

Xác định các vấn đề chính có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn và lợi ích của các bên liên quan dựa trên: 

  • Nghiên cứu thông tin từ các báo cáo thị trường, báo cáo ngành.
  • Phân tích các báo cáo đánh giá, khảo sát khách hàng của Tập đoàn.
  • Phân tích đặc thù kinh doanh của ngành và các lĩnh vực hoạt động cụ thể của Tập đoàn.
  • Phản hồi từ cổ đông, nhà đầu tư và các bên liên quan khác.
  • Tìm hiểu các hướng dẫn về xây dựng báo cáo phát triển bền vững.

 

Bước 2:

Đánh giá các vấn đề trọng yếu được các bên quan tâm dựa trên:

  • Sàng lọc các lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên.
  • Thẩm định, xác nhận từ lãnh đạo cấp cao
  • Lựa chọn danh sách, phân loại các vấn đề trọng yếu đối với Tập đoàn/Công ty thành viên theo 3 nội dung: Kinh tế, xã hội, môi trường

 

Bước 3:

Lựa chọn các vấn đề trọng yếu tập trung triển khai:

  • Vì một môi trường xanh với hoạt động trọng tâm: xây dựng các khu campus, văn phòng làm việc xanh, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, tiết kiệm năng lượng.
  • Vì sự phát triển của các bên liên quan hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
  • Nâng cao hiệu quả quản trị trên tất cả các khía cạnh đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Leave a Reply

Your email address will not be published.